- Thời vụ
Vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch là thời điểm lý tưởng nhất để trồng thanh long vì thời điểm này hom giống dồi dào, và kết thúc đợt mưa nhiều. Hoặc trồng tháng 1- 3 với thời tiết mát và có mưa phùn nhẹ.
- Giống và chuẩn bị giống
Giống Thanh long ruột đỏ (theo giống địa phương – Thanh long ruột đỏ Long Định 1 H14) có thể mua sẵn ở vựa giống hoặc trồng từ cành cây mẹ.
Giâm cành là phương pháp được sử dụng trong nhân giống thanh long, đây là biện pháp sử dụng cành (hom) và tác động bằng kỹ thuật để các yếu tố sinh học bên trong cây thay đổi làm sinh ra rễ và thân mới, tạo thành cây hoàn chỉnh có thể tự sinh trưởng, phát triển và cho quả. Tuy nhiên để cành phát triển tốt cần chọn những cành có tiêu chuẩn như sau:
+ Tuổi cành trung bình 1 – 2 năm tuổi trở lên, đã cho ra trái vụ trước.
+ Chiều dài hom tốt nhất từ 40 – 70cm.
+ Hom to mập, có màu xanh đậm.
+ Hom không khuyết tật, không bị sâu bệnh.
+ Các mắt chùm gai phải tốt, nở đều, khả năng nảy chồi tốt
Cách thức hom giống: Hom giống thẳng, to, khỏe, có màu xanh đậm, không sâu bệnh, chiều dài hom 40 – 70cm
– Tuổi hom > 12 tháng, đã cho ra trái vụ trước, trên hom có 3 – 5 trùm gai tốt, mẩy, khả năng nẩy trồi cao
+ Cắt bỏ phần thịt bên ngoài đáy hom (3 – 5cm), sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm như Benlate C, nồng độ 0,1% trong 5 phút.
+ Để hom ở nơi khô ráo thoáng mát 15 – 20 ngày khi hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.
- Làm đất và chuẩn bị cây trụ
Làm đất: Nên làm mô đất nhằm giúp thoát nước tốt. Kích thước mô: Cao 10 – 15cm, đường kính 60 – 0,80cm. Mô sử dụng trồng thanh long là lớp đất mặt trộn với phân chuồng hoai 15 – 20 kg (phân hữu cơ: 10 – 15kg/trụ) + 500g phân Super lân + Basudin (2g/mô). Đất được chuẩn bị trước khi trồng thanh long 1 – 2 tuần. Dùng Benomyl (nồng độ 0,1%) tưới vào mô đất trước khi trồng để phòng ngừa nấm bệnh.
Chuẩn bị cây trụ
Có thể dùng trụ gỗ, trụ gạch hoặc trụ xi măng cốt sắt để trồng thanh long. Hiện nay, trụ xi măng cốt sắt đang được khuyến cáo và sử dụng phổ biến trong sản xuất với kích thước cạnh vuông từ 12 – 15 cm, cao 1,6 – 2,0 m, chôn sâu 0,4 – 0,5 m (tuỳ thuộc vào vùng đất), chiều cao từ mặt đất đến đỉnh trụ từ 1,2 – 1,5 m), phía trên có 2 – 4 thanh sắt đua ra ngoài 20 – 25 cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cành thanh long sau này. Khoảng cách trụ cách trụ 2 x 2 m hoặc 3 x 3 m (tương ứng 700-1000 trụ/1ha)
Hình 1: Cây trụ thanh long
- Cách trồng
Mật độ và khoảng cách
Cần trồng ở mật độ thưa, từ 900 – 1.100 trụ/ha (cây cách cây 3,0 – 3,5 m; hàng cách hàng 3,0 – 3,5 m) để đảm bảo cho việc đi lại, chăm sóc thuận tiện.
Cách trồng
Đặt 4 hom quanh 4 phía của trụ, cao hơn mặt đất 0,5 cm để tránh thối gốc. Áp phần phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ để sau này hom ra rễ bám nhanh vào trụ. Dùng dây nilông hoặc dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để tránh gió làm lung lay, sau đó tưới nhẹ và tủ rơm hoặc cỏ khô để giữ ẩm.
5. Chăm sóc
5.1 Bón phân
a) Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản
Giai đoạn kiến thiết cơ bản là giai đoạn từ khi trồng đến khi cây 2 năm tuổi.
Năm thứ 1:
Phân hữu cơ: Bón lót khi trồng và khoảng 6 tháng sau khi trồng, với liều lượng 10 -15 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 1 – 2 kg/trụ.
Phân hoá học: Bón định kỳ 1 – 2 tháng/lần, với liều lượng 50 – 80 gam ure+ 100 – 150 gam NPK 20-20-15/trụ. Rải phân xung quanh gốc (cách gốc 20 – 40 cm), dùng rơm hay mụn dừa, cỏ khô tủ lên và tưới nước ướt đẫm cho phân tan.
Năm thứ 2:
Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối) mùa mưa, với liều lượng 15 – 20kg phân chuồng hoai + 500g supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 4 kg/trụ.
Phân hoá học: Bón định kỳ 1-2 tháng/lần, với liều lượng 80 – 100 gam ure + 150 – 200 gam NPK 20 – 20 – 15/trụ.
b) Bón phân giai đoạn kinh doanh
Phân hữu cơ: Bón sau đợt tỉa cành sau thu hoạch, với liều lượng 20 – 30 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân hoặc lân Văn Điển/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 5kg/trụ.
Phân hoá học, chia làm 4 lần bón:
– Lần 1: Sau đợt tỉa cành sau thu hoạch, có thể áp dụng một trong các tỷ lệ NPK (1:1:0,75) như NPK 20 – 20 – 15 + TE; tỷ lệ (2:2:1) như NPK 16 – 16- 8 + TE, với lượng dùng từ 400 – 500 g/trụ. Kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng N cao như NPK 30 – 10 – 10 từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.
– Lần 2: Trước khi cây ra hoa, bón 400 – 500 gam/trụ phân NPK 20 – 20 – 15 + TE hoặc 500 – 700 gam phân NPK 16 – 16 – 8 + TE, có thể sử dụng thêm phân bón lá có hàm lượng P cao như NPK 10 – 60 – 10.
– Lần 3: Khi cây đã có nụ hoa, bón 300 – 400 gam/trụ phân NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6 – 12 + TE hay NPK15 – 15 – 15 + TE.
– Lần 4: Bón cách lần thứ 3 khoảng 40 – 45 ngày, với lượng 300 – 400gam/trụ NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6- 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo.