Nằm ở phía Đông của Hồ Thác Bà, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh quan đa dạng, khí hậu thuận lợi cùng hệ sinh thái phong phú. Đây là điều kiện lý tưởng để các loài động, thực vật phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học độc đáo trong khu vực. Tận dụng những lợi thế này, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế vượt bậc.
Một trong những điển hình của xã Mỹ Gia là gia đình chị Nông Thị Bích Thư ở thôn Đồng Tâm, đã vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển đổi đất trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Chị Thư cho biết: “Năm 2016, sau khi tìm hiểu qua báo chí và các chương trình nông nghiệp, nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với khí hậu và đất đai địa phương, gia đình tôi quyết định đầu tư vào loại cây này”.
Thanh long ruột đỏ không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn rất được thị trường ưa chuộng. Dù chi phí ban đầu khá lớn, nhưng cây có thể cho thu hoạch lâu dài nếu được chăm sóc đúng cách. Từ nguồn vốn tích lũy, gia đình chị Thư đầu tư 400 trụ bê tông cho diện tích đất trồng rau trước đây. Các trụ được thiết kế chắc chắn với chiều cao 1,8 – 2m, phần nổi khoảng 1,3 – 1,4m để cây bám rễ phát triển. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, sau hơn một năm, vườn thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Để đảm bảo chất lượng cây giống, gia đình chị chọn mua từ những vườn giống uy tín tại tỉnh Tuyên Quang. Là giống cây mới, chị Thư không ngừng tìm hiểu kiến thức từ báo đài, các hộ trồng lân cận và áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến. Theo chị, thanh long tuy dễ trồng nhưng đòi hỏi chú ý nhiều đến việc phòng trừ sâu bệnh. Những bệnh phổ biến như nấm, ruồi đục trái hoặc kiến lửa cần được xử lý kịp thời bằng vệ sinh vườn sạch sẽ, tạo độ thông thoáng và sử dụng chế phẩm sinh học.
Bên cạnh đó, cây cần được cung cấp nước đầy đủ, đặc biệt trong mùa khô hoặc khi ra quả. Gia đình chị còn chú ý phòng trừ cỏ dại để cây hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. Hiện nay, vườn thanh long của chị Thư có 700 trụ, trong đó 400 trụ đã cho thu hoạch ổn định, 300 trụ còn lại bắt đầu ra quả. Mỗi năm, vườn thanh long cho thu hoạch 8 lứa, sản lượng mỗi lứa khoảng 2 tấn. Với giá bán trung bình 17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Thư là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả từ việc khai thác tiềm năng nông nghiệp tại xã Mỹ Gia, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương.